Kế toán quản trị và kế toán tài chính

Kế toán quản trị và kế toán tài chính là 2 bộ phận quan trọng của kế toán doanh nghiệp, cung cấp thông tin về hoat động tài chính cho cả người quản lý ở bên trong doanh nghiệp và các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp. Hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau về kế toán tài chính và kế toán quản trị, để cùng các bạn và những người quan tâm về khoa học kế toán hiểu rõ bản chất và mối quan hệ giữa các bộ phận kế toán dantaichinh.com xin trao đổi vài nét về vấn đề này.


Kế toán tài chính là bắt buộc theo quy định của pháp luật và thông tin của kế toán tài chính ngoài việc được sử dụng cho ban lãnh đạo doanh nghiệp còn được sử dụng để cung cấp cho các đối tượng bên ngoài như: Các nhà đầu tư, ngân hàng, cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan thống kê. Kế toán tài chính là kế toán phản ánh hiện trạng và sự biến động về vốn, tài sản của doanh nghiệp dưới dạng tổng quát hay nói cách khác là phản ánh các dòng vật chất và dòng tiền tệ trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với môi trường kinh tế bên ngoài. Sản phẩm của kế toán tài chính là các báo cáo tài chính.

Còn kế toán quản trị là cung cấp thông tin trong nội bộ doanh nghiệp, không bắt buột theo quy định của pháp luật, đưa ra tất cả các thông tin kinh tế đã được đo lường xử lý và cung cấp cho ban lãnh đạo doanh nghiệp để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, hay nói cách khác kế toán quản trị giúp ban lãnh đạo doanh nghiệp cân nhắc và quyết định lựa chọn một trong những phương án có hiệu quả kinh tế cao nhất: phải sản xuất những sản phẩm nào, sản xuất bằng cách nào, bán các sản phẩm đó bằng cách nào, theo giá nào, làm thế nào để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phát triển khả năng sản xuất. Các quyết định này gồm hai loại:
Quyết định mang tính chất ngắn hạn: Các quyết định này giúp doanh nghiệp giải quyết các bài toán kinh tế trong thời kỳ ngắn hạn.
Ví dụ:
– Trong trường hợp nào doanh nghiệp có thể bán sản phẩm với giá thấp hơn giá ở điểm hoà vốn?
– Trong trường hợp nào doanh nghiệp nên tự chế hay đi mua một vài bộ phận của sản phẩm?
– Trong trường hợp nào doanh nghiệp nên bán ra bán thành phẩm thay vì tiếp tục hoàn thiện thành sản phẩm cuối cùng?
Quyết định mang tính dài hạn: Các quyết định này giúp doanh nghiệp giải quyết các bài toán kinh tế hoạch định chiến lược đầu tư dài hạn như: Trong trường hợp nào doanh nghiệp quyết định thay thế mua sắm thêm các máy móc thiết bị hay thực hiện phát triển thêm lĩnh vực kinh doanh.
Để hiểu rõ mối quan hệ giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính ta cần phân tích sự giống nhau và khác nhau giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị

Những điểm giống nhau giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính

Kế toán quản trị và kế toán tài chính là hai bộ phận không thể tách rời của một doanh nghiệp. Chúng có những điểm giống nhau cơ bản sau:
1. Kế toán quản trị và kế toán tài chính đều đề cấp đến các sự kiện kinh tế trong doanh nghiệp và đều quan tâm đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động, quá trình lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp. Một bên phản ảnh tổng quát, một bên phản ảnh cụ thể, chi tiết của sự tổng quát đó.
2. Kế toán quản trị và kế toán tài chính đều dựa trên những ghi chép ban đầu của kế toán.
3. Kế toán quản trị và kế toán tài chính đều biểu hiện trách nhiệm của người quản lý và đều là công cụ quản lý doanh nghiệp.
Tóm lại, kế toán quản trị hay kế toán tài chính đều là kế toán nên chúng mang trong mình những chức năng của kế toán nói chung. Do đối tượng sử dụng và mục đích cung cấp thông tin khác nhau nên chúng có những điểm khác nhau đáng kể.

Những điểm khác nhau giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính

1. Mục đích:

Kế toán quản trị có mục đích: Cung cấp thông tin phục vụ điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kế toán tài chính: Cung cấp thông tin phục vụ cho việc lập các báo cáo tài chính.

2. Đối tượng sử dụng thông tin:

Đối tượng sử dụng thông tin về kế toán quản trị là: Các nhà quản lý doanh nghiệp (Chủ doanh nghiệp, hội đồng quản trị, ban giám đốc, trưởng bộ phận…)
Đối tượng sử dụng thông tin về kế toán tài chính là: Các nhà quản lý doanh nghiệp và các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp (Nhà đầu tư, ngân hàng, cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan thống kê…)

3. Đặc điểm thông tin:

Thông tin của kế toán tài chính là thông tin thực hiện về những nghiệp vụ đã phát sinh, đã xảy ra, được thu thập từ các chứng từ ban đầu về kế toán, đòi hỏi có tính khách quan và có thể kiểm tra được. Thông tin chỉ được theo dõi dưới hình thái giá trị.
Trong khi đó, thông tin của kế toán quản trị chủ yếu đặt trọng tâm cho tương lai vì phần lớn nhiệm vụ của nhà quản trị là lựa chọn phương án, đề án cho một sự kiện hoặc một quá trình chưa xảy ra. Thông tin ít chú trọng đến sự chính xác mà mang tính chất phản ánh xu hướng biến động, có tính dự báo vì vậy thông tin kế toán quản trị phục vụ cho việc đánh giá và xây dựng các kế hoạch kinh doanh, thông tin được theo dõi dưới hình thái giá trị và hình thái hiện vật.

4. Nguyên tắc trình bày và cung cấp thông tin:

Kế toán tài chính có tính pháp lý, bắt buộc phải tôn trọng các nguyên tắc kế toán được thừa nhận và được sử dụng phổ biến, nói cách khác kế toán tài chính phải đảm bảo tính thống nhất theo các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán nhất định để mọi người có cách hiểu giống nhau về thông tin kế toán đặc biệt là báo cáo tài chính và kế toán tài chính phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là những yêu cầu quản lý tài chính và các yêu cầu của xã hội thông qua việc công bố những số liệu mang tính bắt buộc.
Kế toán quản trị không có tính bắt buộc, các nhà quản lý được toàn quyền quyết định và điều chỉnh phù hợp với nhu cầu và khả năng quản lý của doanh nghiệp.

5. Phạm vi của thông tin:

Phạm vi thông tin của kế toán quản trị liên quan đến việc quản lý trên từng bộ phận (phân xưởng, phòng ban) cho đến từng cá nhân có liên quan.
Phạm vi thông tin của kế toán tài chính liên quan đến việc quản lý tài chính trên quy mô toàn doanh nghiệp.

6. Kỳ báo cáo:

Kế toán quản trị có kỳ lập báo cáo nhiều hơn: Năm, quý, tháng, tuần, ngày.
Kế toán tài chính có kỳ lập báo cáo là: Tháng, quý và năm.

7. Quan hệ với các môn khoa học khác:

Do thông tin kế toán quản trị được cung cấp để phục vụ cho chức năng quản lý, nên ngoài việc dựa vào hệ thống ghi chép ban đầu của kế toán tài chính thì kế toán quản trị còn phải kết hợp và sử dụng nội dung của nhiều môn khoa học khác như: Kinh tế học, thống kê kinh tế, tổ chức quản lý doanh nghiệp, quản trị đầu tư để tổng hợp phân tích và xử lý thông tin.
Kế toán tài chính ít có mối quan hệ với các môn khoa học khác.

8. Tính bắt buộc theo luật định:

Kế toán tài chính có tính bắt buộc theo luật định: Kế toán tài chính có tính bắt buộc theo luật định có nghĩa là sổ sách báo cáo của kế toán tài chính ở mọi doanh nghiệp đều phải bắt buộc thống nhất, nếu không đúng hoặc không hạch toán đúng chế độ thì báo cáo đó sẽ không được chấp nhận (tham khảo thêm về luật kế toán vừa ban hành).
Kế toán quản trị không có tính bắt buộc.
Trên đây là vài nét về kế toán quản trị và kế toán tài chính giúp. Tuy không phải là một bài viết toàn cảnh nhưng hy vọng giúp các bạn hiểu hơn về kế toán doanh nghiệp.

CÁC TIN TỨC KHÁC