Ngày 03/2/2017, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị bàn về dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, đại diện lãnh đạo Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế, Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ Tài chính, Cục Tin học và thống kê tài chính.
Quang cảnh Hội nghị
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế về kết quả thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ, ngày 08/6/2016, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 1033/QĐ-TCT về Kế hoạch hành động của Tổng cục Thuế thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP với 19 nhiệm vụ và 34 giải pháp cụ thể. Tính đến ngày 31/12/2016, về cơ bản, Tổng cục Thuế đã hoàn thành theo đúng tiến độ, trong đó có 06 giải pháp tiếp tục được triển khai trong năm 2017: Thực hiện các giải pháp để đạt được mục tiêu, năm 2016-2017, 95% DN thực hiện kê khai, nộp thuế đạt cấp độ 4, thực hiện điện tử hóa từ Tổng cục Thuế xuống các Chi cục Thuế và các cán bộ, công chức thuế tác nghiệp theo hướng chuyển từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử; Thực hiện hoàn thuế điện tử, năm 2016 đã ban hành quy định thực hiện thí điểm 13 tỉnh; Giải quyết khiếu nại, đúng hạn, kịp thời cho đối tượng nộp thuế, năm 2016 đã giải quyết được 95,2% hồ sơ giải quyết khiếu nại đúng thời hạn, trong đó Tổng cục Thuế phấn đấu mục tiêu đến năm 2020 sẽ giải quyết 100% hồ sơ đúng thời hạn; Rà soát và đề xuất các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực thuế liên quan đến giấy tờ công dân, năm 2016, đã hoàn thành Kế hoạch Bộ Tài chính giao về kết quả rà soát 151 thủ tục hành chính; Xây dựng quy định quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý thuế, năm 2016 đã ban hành Quyết định quy định Bộ Tiêu chí phân loại rủi ro áp dụng cho công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế; Kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị Tổng cục Thuế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ, mục tiêu được đề ra: Trong năm 2017 và định hướng đến năm 2020, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong lĩnh vực tài chính cần thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính mà trọng tâm là tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm công khai minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế để đạt được các mục tiêu đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế bao gồm cả 03 nhóm chỉ tiêu: hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã đề ra một số nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP bao gồm: Nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; Nhóm giải pháp để đạt mục tiêu trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế; Nhóm giải pháp về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đó là thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử đạt 95%; Nhóm giải pháp về giảm giờ.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay có tình trạng doanh nghiệp tạm nộp tờ khai thuế cho đúng thời hạn sau đó lại có tới 17-18 tờ khai bổ sung, điều này đã gây vất vả, khó khăn cho các cán bộ thuế trong việc quản lý; bên cạnh nhiều doanh nghiệp chấp hành tốt chính sách thuế thì còn nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách để trốn thuế. Do đó, ông Nguyễn Đại Trí khẳng định cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra sau hoàn thuế nhằm tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.
Theo ông Tạ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính) cho rằng, thực hiện cải cách thủ tục hành chính cần có 3 nội dung lớn: thể chế chính sách, công nghệ quản lý về ứng dụng công nghệ thông tin và tổ chức bộ máy. Nếu làm tốt được 3 nội dung này sẽ thực hiện cải cách thuế hiện đại và đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 19 đề ra đó là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó có nhiều yếu tố liên quan đến lĩnh vực thuế. Đối với thể chế chính sách và quy trình nghiệp vụ phải tiếp cận theo hướng đơn giản, minh bạch rõ ràng, trong đó đồng bộ kể cả thuế và kế toán. Cần xây dựng được thể chế chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế trên cơ sở quy trình hiện đại, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu về kế toán thuế là rất quan trọng. Nếu không ứng dụng công nghệ thông tin thì không thể cải cách thủ tục hành chính, không thể giảm giờ nộp thuế được, nếu có hệ thống công nghệ thông tin tổng thể, thực hiện kết nối điện tử thì chắc chắn thời gian nộp thuế không tính bằng ngày mà bằng giờ. Bên cạnh đó, cũng cần phải cải cách về mặt tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, cơ cấu lại tổ chức bộ máy kể cả chức năng nhiệm vụ và phân định trách nhiệm giữa Tổng cục và Cục Thuế. Việc cải cách hành chính về lĩnh vực thuế cũng phải nằm trong bối cảnh cải cách chung của ngành Tài chính.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, chương trình cải cách thủ tục hành chính của Tổng cục Thuế đã đạt được 60-70% so với yêu cầu đề ra và cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện quy trình này. Thứ trưởng nhấn mạnh, công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, do đó cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, thậm chí là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia trong toàn quốc thì mới thực hiện được nguyên tắc mã số công dân, mã số doanh nghiệp. Khi đó, công tác cải cách thủ tục hành chính mới đạt được kết quả như yêu cầu đề ra.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn yêu cầu Tổng cục Thuế tiếp tục hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động và cần tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính:
Thứ nhất, về thể chế chính sách: Trong 2017, Tổng cục Thuế phải thành lập Tổ biên tập nghiên cứu toàn diện những vấn đề đặt ra về quản lý thuế, những nội dung liên quan đến chính sách thuế cần phải sửa trong năm 2017, 2018.
Thứ hai, nghiên cứu sửa đổi các nội dung liên quan đến các văn bản như Thông tư, Nghị định về quản lý thuế, cải cách quy trình về nghiệp vụ thuế… để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa chống thất thu ngân sách.
Thứ ba, cần phải xây dựng bộ máy tổ chức gắn với cơ quan quản lý thuế hiện đại theo thông lệ quốc tế, tất cả các tác nghiệp phải được thực hiện trên cơ sở dữ liệu điện tử.
KL