Áp dụng bắt buộc chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam sau 2025

Bộ Tài chính ban hành Quyết định 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. Theo đó, lộ trình áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam như sau:

– Giai đoạn chuẩn bị (2020-2021):

Đến trước tháng 12/2020, thành lập Ban dịch thuật và soát xét, hoàn thành bản dịch IFRS sang tiếng Việt. Đến trước tháng 3/2021, Bộ Tài chính xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp công bố bản dịch IFRS sang tiếng Việt.

Đến trước 15/11/2021, Bộ Tài chính xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cách thức áp dụng IFRS; Bổ sung, sửa đổi và ban hành mới một số cơ chế tài chính liên quan đến việc áp dụng IFRS. Đào tạo nguồn nhân lực, quy trình triển khai cho các doanh nghiệp (DN).

– Giai đoạn 1, áp dụng tự nguyện (2022 đến 2025):

(1) Đối với báo cáo tài chính hợp nhất: Các DN sau có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất như: Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế; Công ty mẹ là công ty niêm yết; Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết;…

(2) Đối với báo cáo tài chính riêng: Các DN có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính riêng.

Khi áp dụng IFRS, DN phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin và giải trình rõ ràng, minh bạch với cơ quan thuế, cơ quan quản lý, giám sát và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định nghĩa vụ với NSNN.

– Giai đoạn 2, áp dụng bắt buộc (sau năm 2025):

(1) Đối với báo cáo tài chính hợp nhất: Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất cho từng nhóm doanh nghiệp thuộc các đối tượng cụ thể sau: Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước; Công ty mẹ là công ty niêm yết;…

Các công ty mẹ khác không thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng nêu trên có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất.

(2) Đối với báo cáo tài chính riêng: Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các DN, pháp luật có liên quan và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm áp dụng bắt buộc hoặc áp dụng tự nguyện IFRS để lập báo cáo tài chính riêng cho từng nhóm đối tượng, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi…

CÁC TIN TỨC KHÁC