CHI PHÍ KHÔNG ĐƯỢC TRỪ KHI QUYẾT TOÁN THUẾ

Đang trong thời gian dân kế toán lọ mọ với báo cáo tài chính, hôm nay chúng ta sẽ bàn tới khoản mục rất hay ho “Chi phí không được trừ”

Không phải bạn kế toán nào cũng nắm chắc được phần này, các anh chị quản lý doanh nghiệp cũng vậy. Chính vì thế nên khi thanh tra thuế, có những doanh nghiệp bị loại trừ một khoản chi phí không nhỏ.

Chúng ta sẽ nói qua 2 bước:

LOẠI TRỪ NHỮNG KHOẢN CHI KHÔNG ĐÁP ỨNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN CỦA CHI PHÍ HỢP LÝ, HỢP LỆ

Trong doanh nghiệp có rất nhiều loại chi phí phát sinh, nhưng không phải khoản chi nào cũng có đầy đủ hóa đơn chứng từ. Câu hỏi là: “Khoản chi đó chúng tôi thực sự đã chi mà?”. Đồng ý, nhưng khoản chi mà không đáp ứng đủ điều kiện là CHI PHÍ HỢP LÝ, HỢP LỆ theo quy định thì chắc chắn bị loại.

Cụ thể, chi phí HỢP LÝ HỢP LỆ theo quy định tại điều 4, thông tư 96/2015/TT-BTC (sửa đổi bổ sung điều 6, thông tư 78/2014/TT-BTC) là khoản chi đáp ứng đủ 3 điều kiện như sau:

Là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Ví dụ:

• Về hóa đơn, các khoản chi từ 200.000VND trở lên BẮT BUỘC phải có hóa đơn;

• Khoản chi phí chiếm tỷ trọng lớn và thường xuyên trong doanh nghiệp nhưng không có hóa đơn là chi phí lương thì cần BỘ CHỨNG TỪ HỢP PHÁP là: hồ sơ nhân sự theo quy định, thư mời làm việc, hợp đồng lao động, bảng chấm công, bảng lương, quy chế lương…và các giấy tờ khác tùy theo đặc thù doanh nghiệp.

Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

KHOẢN CHI KHÔNG ĐƯỢC TRỪ THEO QUY ĐỊNH

Ngoài những khoản chi đề cập ở mục 1, doanh nghiệp còn bị loại trừ 37 khoản chi không được trừ theo quy định tại khoản 2, điều 4, thông tư 96/2015/TT-BTC (sửa đổi bổ sung điều 6, thông tư 78/2014/TT-BTC). 37 khoản loại trừ này đều có lý do của nó.

Ví dụ: Chi trả tiền lãi vay tương ứng với phần vốn điều lệ (với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký CÒN THIẾU theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh. Chi trả tiền lãi vay trong quá trình đầu tư đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giả trị công trình đầu tư.

Giả sử doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ 10 tỷ đồng, mới thực góp được 06 tỷ đồng, còn thiếu 04 tỷ đồng và đi vay ngân hàng 03 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí lãi vay của khoản 03 tỷ đồng này đều không được trừ dù có đủ hồ sơ chứng từ (hợp đồng vay, hồ sơ giải ngân, chứng từ thu lãi, tài sản đảm bảo (nếu có)…). Lý do là vì nếu doanh nghiệp góp đủ vốn điều lệ như đăng ký thì doanh nghiệp đâu cần phải đi vay, nên chi phí này không được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp.

CÁC TIN TỨC KHÁC