Doanh nghiệp cần lưu ý những gì khi tuyển dụng lao động?

Theo luật lao động, khi tuyển dụng doanh nghiệp cần tuân thủ một số điều. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh đã bỏ qua điều này trong quá trình tìm kiếm nhân lực và có nhưng nơi làm sai luật và bị phạt hành chính. Nhằm hạn chế điều này, doanh nghiệp cần lưu ý những điều sau đây khi tuyển dụng.

1. Thông báo công khai thông tin tuyển lao động

Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh của mình.

Nhằm đảm bảo sự khách quan, công bằng, khoản 3 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP có nêu, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo công khai về nhu cầu tuyển lao động hoặc thông báo ít hơn 05 ngày làm việc trước khi nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động.

Trường hợp không thực hiện đúng quy định này, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng.

2. Công bố rộng rãi kết quả tuyển dụng

Cũng liên quan đến việc đảm bảo khách quan, công bằng cho những lao động cùng có nhu cầu ứng tuyển, pháp luật lao động còn yêu cầu người sử dụng thông báo công khai kết quả tuyển lao động hoặc thông báo sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả tuyển lao động.

Nếu có vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng (theo khoản 3 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP).

3. Không phân biệt giới tính, quê quán

Điều 10 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ, người lao động được quyền làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.

Đồng thời, có thể trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khoẻ của mình.

Để quyền lợi này được thực hiện có hiệu quả, cũng theo khoản 3 Điều 1 Nghị định 88, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng nếu có hành vi phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật trong tuyển dụng lao động.

 4. Không thu tiền của ứng viên ứng tuyển

Cũng theo Nghị định 88, cụ thể khoản 3 Điều 1, việc thu tiền của người lao động tham gia ứng tuyển là hành vi vi phạm pháp luật.

Người sử dụng lao động thực hiện hành vi này không chỉ bị phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng mà còn buộc trả lại người lao động số tiền đã thu.

Lưu ý: Kể cả khi đã tuyển người lao động vào làm việc cho mình, người sử dụng lao động cũng không được yêu cầu người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng (theo khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động 2012).

5. Chỉ tuyển lao động nước ngoài cho một số vị trí

Theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Lao động hiện hành, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu trong nước chỉ được tuyển lao động là người nước ngoài vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Điều này đồng nghĩa với việc, không phải công việc nào doanh nghiệp cũng có thể tuyển dụng lao động nước ngoài.

Đặc biệt, khi tuyển dụng lao động nước ngoài vào làm việc trên lãnh thổ Việt Nam, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

CÁC TIN TỨC KHÁC