Cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới hiện đang được khuyến khích trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Những đối tượng nào, điều kiện và phương thức cung cấp dịch vụ kế toán này ra sao?
1.Đối tượng được cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới cho các doanh nghiệp tại Việt Nam
Căn cứ theo Điều 29, Nghị định 174/2016/NĐ-CP:
Đối tượng được cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam gồm:
+ Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài có quốc tịch tại quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.
+ Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài của quốc gia, vùng lãnh thổ mà có điều ước quốc tế với Việt Nam về việc được cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam.
2.Điều kiện cung cấp
Những doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới là doanh nghiệp có đủ các điều kiện sau:
– Doanh nghiệp nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật tại nước nơi mà doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
– Có văn bản của cơ quan quản lý hành nghề dịch vụ kế toán nơi mà doanh nghiệp nước ngoài đóng trụ sở chính xác nhận không vi phạm các quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán và quy định pháp luật khác của nước ngoài trong thời hạn 3 năm trước thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới.
– Trong doanh nghiệp nước ngoài có ít nhất 2 người có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán. Trong đó phải có người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đó.
– Doanh nghiệp có mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các kế toán viên hành nghề tại Việt Nam.
– Trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam, doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm hành chính trong việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam.
3.Phương thức cung cấp
Để thực hiện việc cung cấp dịch vụ kế toán tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài phải liên danh với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam được liên danh với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài phải là những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán đã có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
Khi liên danh giữa 2 doanh nghiệp về vấn đề này, hai bên phải lập các tài liệu sau:
+ Hợp đồng liên danh.
+ Hợp đồng dịch vụ kế toán.
+ Hồ sơ dịch vụ kế toán.
+ Những tài liệu trên đều phải lập đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
a.Hợp đồng liên danh
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài và Việt Nam phải lập Hợp đồng liên danh. Trong hợp đồng phải quy định rõ trách nhiệm của hai bên trong việc cung cấp dịch vụ kế toán.
b.Hợp đồng dịch vụ kế toán
Hai doanh nghiệp khi liên danh phải giao kết Hợp đồng dịch vụ kế toán với đơn vị thuê dịch vụ kế toán.
Hợp đồng dịch vụ kế toán này phải có đầy đủ chữ ký của những đối tượng sau:
+ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài.
+ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam.
+ Đơn vị thuê dịch vụ kế toán.
Doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam phải cử ra một kế toán viên hành nghề. Kế toán viên này sẽ phụ trách phần dịch vụ kế toán thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp mình trong hợp đồng.