Những điều cần biết về kế toán vốn bằng tiền trong doanh nghiệp thương mại

Vốn bằng tiền là một loại tài sản lưu động mà các doanh nghiệp thương mại hay bất cứ doanh nghiệp nào cũng sử dụng. Nó được hình thành trong quá trình bán hàng và các quan hệ thanh toán, giúp các doanh nghiệp chủ động trong việc sản xuất kinh doanh

1. Đặc điểm của kế toán vốn bằng tiền trong doanh nghiệp thương mại

–  Vốn bằng tiền là bộ phận lớn của vốn lưu động, phản ánh khả năng thanh toán ngay của Công ty để tạo điều kiện cạnh tranh tốt nhất;

– Quy mô vốn bằng tiền là loại vốn đòi hỏi doanh nghiệp phải quản lý hết sức chặt chẽ, vì vốn bằng tiền là có tính luân chuyển cao, nên nó là đối thượng của sự gian lận;

– Trong quá trình hạch toán vốn bằng tiền, các thủ tục nhằm bảo vệ vốn bằng tiền khỏi sự “đánh cắp”, lạm dụng là quan trọng. Nó đòi hỏi phải tuân thủ các nguyên tắc, chế độ quản lý tiền tệ thống nhất của Nhà nước.

2. Yêu cầu quản lý kế toán vốn bằng tiền công ty thương mại

Để thực hiện tốt việc quản lý vốn bằng tiền với vai trò công cụ quản lý kinh tế, kế toán cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

–  Phản ánh chính xác, kịp thời từng khoản thu chi và tình hình còn lại của các loại vốn bằng tiền; kiểm soát nghiêm ngặt việc quản lý các loại vốn bằng tiền nhằm đảm bảo an toàn cho tiền tệ, phát hiện và ngăn ngừa hiện tượng tham ô, lợi dụng tiền mặt trong kinh doanh.

– Giám sát tình hình thực hiện kế toán thu chi các loại vốn bằng tiền, đảm bảo chi tiêu tiết kiệm và có hiệu quả cao.

-Theo dõi tình hình thu, chi, tăng, giảm, thừa, thiếu và số hiện có của từng loại vốn bằng tiền.

– Thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện chế độ quản lý tiền mặt, kỷ luật thanh toán, kỹ thuật tín dụng.

– Hướng dẫn và kiểm tra việc ghi chép của thủ quỹ, thường xuyên kiểm tra, đối chiếu số liệu của thủ quỹ và kế toán tiền mặt.

– Tham gia vào công tác kiểm kê quỹ tiền mặt, phản ánh kết quả kiểm kê kịp thời.

3. Các nguyên tắc trong kế toán vốn bằng tiền công ty thương mại

– Nguyên tắc tiền tệ thống nhất: Sử dụng thống nhất một đơn vị tiền tệ là “đồng Việt Nam” (VNĐ) trong hạch toán kế toán để tổng hợp các loại vốn bằng tiền. Đối với nghiệp vụ phát sinh bằng ngoại tệ phải quy đổi ra “đồng Việt Nam” theo quy định để ghi sổ kế toán. Đồng thời phải theo dõi chi tiết riêng từng nguyên tệ các loại tiền đó.

– Nguyên tắc cập nhật: Phản ánh kịp thời, chính xác số tiền hiện có và tình hình thu chi toàn bộ các loại tiền; mở sổ theo dõi chi tiết từng loại ngoại tệ theo nguyên tệ và theo đồng Việt Nam quy đổi, từng loại vàng, bạc, đá quý theo số lượng, giá trị, quy cách, độ tuổi, phẩm chất, kích thước…

– Nguyên tắc hạch toán ngoại tệ: Nghiệp vụ phát sinh bằng ngoại tệ bên cạnh việc quy đổi ra “đồng Việt Nam” để ghi sổ kế toán, còn phải tiến hành theo dõi chi tiết riêng từng ngoại tệ trên TK 007 “Ngoại tệ các loại”. Tỷ giá quy đổi là tỷ giá mua bán thực tế bình quân trên thị trường liên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố chính thức tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ. Với những ngoại tệ không công bố tỷ giá quy đổi ra đồng Việt Nam thì thống nhất quy đổi ra đồng đô la Mỹ  (USD).

– Với vàng bạc, kim khí quý, đá quý: phải được đánh giá bằng tiền tại thời điểm phát sinh theo giá thực tế, còn giá xuất trong kỳ thì áp dụng phương pháp sau: phương pháp thực tế bình quân gia quyền giữa giá đầu kỳ và giá các lần nhập trong kỳ; phương pháp thực tế nhập trước – xuất trước; phương pháp thực tế nhập sau – xuất trước; phương pháp thực tế đích danh; phương pháp giá bình quân sau mỗi lần nhập.

=> Thực hiện đúng các nguyên tắc trên thì việc hạch toán vốn bằng tiền sẽ giúp doanh nghiệp quản lý tốt các loại vốn bằng tiền của mình.

CÁC TIN TỨC KHÁC