Những quy định mới của chính sách thuế tháng 9 năm 2019

Phòng Tuyên truyền – Hỗ trợ NNT gửi tới các đơn vị nội dung điểm mới trong chính sách Thuế tháng 9/2019 như sau:

A/ Về thuế giá trị gia tăng.

  1. Về chứng từ thanh toán qua ngân hàng liên quan đến khấu trừ hoàn thuế GTGT.

Tổng cục Thuế có công văn số 3352/TCT-KK ngày 22/08/2019 hướng dẫn Cục thuế TP Hồ Chí Minh về thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Theo đó, trường hợp khách hàng nước ngoài thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam qua ngân hàng bằng hình thức thư tín dụng (L/C), nhưng thực tế chứng từ thanh toán qua ngân hàng của ngân hàng phục vụ doanh nghiệp Việt Nam thể hiện tài khoản ngân hàng phía nước ngoài chuyển tiền thanh toán không phải là tài khoản ngân hàng của khách hàng nước ngoài hoặc tài khoản ngân hàng của bên thứ ba là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thực hiện thanh toán theo ủy quyền của khách hàng nước ngoài thể hiện trên hợp đồng xuất khẩu (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng – nếu có) có liên quan theo hướng dẫn tại Điểm b.3 Khoản 3 điều 16 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì chứng từ thanh toán qua ngân hàng này không đủ điều kiện để được xét khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

  1. Về thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu xuất trả lại chủ hàng nước ngoài:

Tổng cục Thuế có công văn số 3295/TCT-CS ngày 19/08/2019 hướng dẫn Công ty CP UIL Việt Nam về thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu xuất trả lại chủ hàng nước ngoài.

Tại điểm a khoản 1 Điều 49 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa  như sau:

“1. Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là nộp thừa trong các trường hợp:

  1. a) Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng đã nộp đối với hàng hóa đã nhập khẩu nhưng tái xuất trả lại chủ hàng nước ngoài hoặc tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan; hàng hóa đã xuất khẩu nhưng nhập khẩu trở lại Việt Nam; hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu đã nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định, sau đó đã thực tế xuất khẩu sản phẩm) đối với từng loại thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ, kể cả việc bù trừ giữa các loại thuế với nhau; hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo; hoặc hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; trừ trường hợp không được miễn xử phạt do đã thực hiện quyết định xử phạt vi phạm pháp luật về thuế của cơ quan quản lý thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 111 Luật Quản lý thuế”.

Theo đó, trường hợp người nộp thuế đã nộp tiền thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa đã nhập khẩu nhưng tái xuất trả lại chủ hàng nước ngoài thì đề nghị liên hệ với cơ quan hải quan để được hướng dẫn thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 49 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

  1. Về chính sách thuế GTGT đối với khoản bồi thường do đối tác vi phạm hợp đồng cho thuế ki ốt.

Tổng cục Thuế có công văn số 3465/TCT-CS ngày 29/8/2019 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về chính sách thuế đối với khoản bồi thường do đối tác vi phạm hợp đồng cho thuế ki ốt.

Theo đó, trường hợp khoản tiền bồi thường do đối tác vi phạm hợp đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

 Khi nhận được tiền bồi thường của khách hàng thì Công ty hạch toán khoản thu về bồi thường bằng tiền vào thu nhập khác theo quy định tại Khoản 13 Điều 7 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính.

B/ Về Thuế thu nhập doanh nghiệp:

  1. Kê khai nộp thuế TNDN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản:

Tổng cục Thuế có công văn số 3359/TCT-KK ngày 23/8/2019 hướng dẫn Cục Thuế TP Đà Nẵng về kê khai, nộp thuế TNDN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Theo đó, trường hợp Công ty có trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, do Chi cục Thuế Quận 3 trực tiếp quản lý phát sinh hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại Thành phố Đà Nẵng thì Công ty phải khai, nộp thuế TNDN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại cơ quan Thuế trên địa bàn TP Đà Nẵng và thực hiện quyết toán tại trụ sở chính (Chi cục Thuế Quận 3) theo quy định.

Đối với số thuế TNDN của hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại Đà Nẵng mà Công ty đã nộp tại trụ sở chính được xử lý theo quy định tại Điều 33 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.

          C/ Về Hóa đơn:

  1. Về việc lập hóa đơn điện tử

Tổng cục Thuế đã có công văn số 3387/TCT-CS ngày 26/08/2019 hướng dẫn Cục Thuế TP Cần Thơ về việc lập hóa đơn điện tử:  

Theo đó:

Trường hợp áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 39/2014/TT-BTC, Thông tư số 32/2011/TT-BTC thì thời điểm lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC. Khi lập hóa đơn điện tử phải có đầy đủ các nội dung của hóa đơn điện tử theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 32/2011/TT-BTC.

Trường hợp chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hữu hình trong quá trình lưu thông và chỉ được chuyển đổi một lần thì hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa phải đáp ứng các quy định nêu tại khoản 2, 3, 4 Điều 12 Thông tư số 32/2011/TT-BTC và phải có chữ ký người đại diện theo pháp luật của người bán, dấu của người bán.

Trường hợp chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để phục vụ việc lưu trữ chứng từ theo quy định của Luật Kế toán thì hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa đơn giấy phục vụ lưu trữ phải đáp ứng các quy định nêu tại tại khoản 2, 3, 4 Điều 12 Thông tư số 32/2011/TT-BTC.

  1. Về hóa đơn điện tử đã lập có sai sót:

Tổng cục Thuế có công văn số 3441/TCT-CS ngày 29/8/2019 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về hóa đơn điện tử đã lập có sai sót.

Theo đó:

Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập nhưng có sai sót nhưng chưa gửi cho người mua thì người bán thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và lập lại hóa đơn điện tử mới gửi lại cho người mua. Hóa đơn điện tử đã hủy phải được lưu trữ phục vụ việc tra cứu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập và gửi đến cho người mua có sai sót thì thực hiện xử lý đối với hóa đơn điện tử đã lập theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC. Trường hợp người mua không có chữ ký điện tử thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận bằng giấy ghi rõ sai sót, có chữ ký của người bán và người mua.

D/ Về Quản lý thuế:

  1. Về việc khôi phục mã số thuế:

Tổng cục Thuế có công văn số 3223/TCT-KK ngày 13/8/2019 gửi Cục thuế TP Hà Nội vè việc khôi phục mã số thuế.

Theo đó, trường hợp Phòng đăng ký kinh doanh đã ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 211 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì Phòng đăng ký kinh doanh chỉ ra quyết định hủy bỏ  thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp Phòng đăng ký kinh doanh xác định doanh nghiệp không thuộc trường hợp phỉa thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

  1. Về việc xác định thời hạn nộp hồ sơ khai thuế:

Tổng cục Thuế có công văn số 3360/TCT-PC ngày 23/8/2019 gửi Cục thuế tỉnh Đắk Lắk về việc xác định thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

Theo đó:

– Trường hợp các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi phát mại, bán đấu giá bất động sản để xử lý nợ thì phải khai thuế TNCN thay cho cá nhân có bất động sản xử lý nợ; Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thực hiện theo từng trường hợp hướng dẫn tại điểm d Khoàn 3 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi bổ sung tại Khoản 5 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính).

– Trường hợp cá nhân chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác theo quyết định thi hành án của Tòa án thì cá nhân chuyển nhượng phải khai thuế, nộp thuế hoặc tổ chức, cá nhân tổ chức bán đấu giá phải khai thuế, nộp thuế TNCN thay cho bên chuyển nhượng; Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thực hiện theo từng trường hợp hướng dẫn tại điểm d Khoàn 3 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi bổ sung tại Khoản 5 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính).

Nếu các tổ chức nêu trên chậm nộp hồ sơ khai thuế thì sẽ bị xử phạt vi phạm đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật.

  1. Về việc kê khai lệ phí môn bài đối với diện tích bán hàng tại chợ:

Tổng cục Thuế có công văn số 3496/TCT-DNNCN ngày 03/9/2019 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về chính sách thuế đối với dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ.

Theo đó, trường hợp UBND xã, phường có ký hợp đồng giao khoán cho các cá nhân để thực hiện và đứng ra thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ thì cá nhân cung cấp dịch vụ có doanh thu là đối tượng phải nộp lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ và thuộc trường hợp cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán theo quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính.

4.Về việc xử lý vi phạm về thuế qua thanh tra, kiểm tra.

Tổng cục Thuế có công văn số 3437/TCT-TTKT ngày 29/08/2019 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về việc xử lý vi phạm về thuế qua thanh tra, kiểm tra.

Theo đó, trường hợp khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thu và qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện hồ sơ khai thuế có sai sót thì:

– Đối với các hóa đơn đầu ra: Hóa đơn đầu ra xuất bán phát sinh kỳ nào thì thực hiện khai bổ sung, điều chỉnh kỳ tính thuế phát sinh hóa đơn đó.

– Đối với các hóa đơn đầu vào: Sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế, các hóa đơn đầu vào sai sót được phát hiện sẽ không được kê khai, khấu trừ bổ sung tại kỳ tính thuế phát hiện hóa đn bỏ sót do không đủ điều kiện khấu trừ theo quy định. Người nộp thuế được hạch toán thuế GTGT không được khấu trừ này vào chi phí để tính thuế TNDN hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định, trừ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

E/Vấn đề khác có liên quan

  1. Quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

          Ngày 20/08/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 53/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 148/2016/TT-BTC ngày 14/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

          Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2019.

  1. Cơ chế xử lý rủi ro của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngày 26/08/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 57/2019/TT-BTC hướng dẫn cơ chế xử lý rủi ro của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2019

  1. Quy định thủ tục hải quan đối với thư, gói, kiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp được chỉ định quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế

Ngày 23/08/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 56/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 49/2015/TT-BTC ngày 14 tháng 4 năm 2015 quy định thủ tục hải quan đối với thư, gói, kiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp được chỉ định và Thông tư số 191/2015/TT-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2015 quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2019

Thông tư này bãi bỏ:

  1. a) Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Thông tư số 49/2015/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
  2. b) Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 25 Thông tư số 191/2015/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
  3. Về việc bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước

Ngày 21/08/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 55/2019/TT-BTC hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/10/2019 và thay thế Thông tư số 57/2015/TT-BTC ngày 24/4/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

– Đối với các doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng chưa thực hiện bàn giao nợ và tài sản loại trừ thì trong thời gian 15 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp thông báo bằng văn bản đề nghị Công ty Mua bán nợ (đồng gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu) phối hợp, tiến hành các thủ tục tiếp nhận theo quy định tại Thông tư này.

– Đối với tài sản mất mát, thiếu hụt theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực nhưng Công ty Mua bán nợ chưa nhận được tiền bồi thường tính đến ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện xử lý, bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này.

 – Đối với tiền thu được từ thu hồi nợ và xử lý tài sản theo Quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng doanh nghiệp chưa nộp về Công ty Mua bán nợ thì doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

CÁC TIN TỨC KHÁC