Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam đã phát động thi đua trong toàn ngành năm 2017 với khẩu hiệu thi đua: “Phát huy truyền thống, tăng cường kỷ cương, đoàn, kết, sáng tạo, đẩy mạnh thi đua thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ công tác thuế năm 2017”.
Trong bản phát động thi đua nêu rõ 3 mục tiêu chính để phấn đấu thực hiện, bao gồm: Phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2017 đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao.
Phấn đấu 100% đơn vị toàn ngành hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh tiến trình thực hiện kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2016 – 2020, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế và sửa đổi, bổ sung các quy trình, nghiệp vụ, phấn đấu nâng cao thức hạng nộp thuế của Việt Nam trong báo cao môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.
Tiếp tục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng. Tăng cường công tác quản lý nội ngành, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đổi mới phương pháp làm việc, củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị năm 2017.
Trong 11 nội dung thi đua, lãnh đạo Tổng cục Thuế lưu ý toàn ngành chủ động rà soát, đánh giá để tham mưu, đề xuất với UBND các tỉnh/thành phố các giải pháp về cơ chế, chính sách, cải cách TTHC, nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu GDP đạt 6,7%, tạo nguồn thu cho NSNN.
Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan kế hoạch -đầu tư trong việc cấp mã số DN. Thường xuyên rà soát thông tin DN, mã số để có biện pháp quản lý chính xác người nộp thuế (NNT) trong phạm vi quản lý. Kịp thời đóng mã số thuế của NNT bỏ trốn, mất tích, giải thể phá sản, xác định đúng NNT phải nộp hồ sơ khai thuế. Thực hiện tốt công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế, kiểm tra chặt chẽ trước khi quyết định hoàn, số liệu phải chính xác, khớp đúng và được thẩm định, đảm bảo đúng quy trình. Phát hiện và phản ánh kịp thời những hiện tượng lợi dụng chính sách để hoàn thuế không đúng đối tượng, sai mục đích.
Đặc biệt, toàn ngành đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế theo phương pháp quản lý rủi ro, dựa trên thu thập, phân tích thông tin về NNT, đảm bảo tỷ lệ thanh tra tối thiểu 1% và kiểm tra tối thiểu đạt 17% số DN đang quản lý trong toàn ngành. Đối tượng thanh tra tập trung vào các DN có giao dịch liên kết, các DN có dấu hiệu chuyển giá; kinh doanh thương mại điện tử, DN kinh doanh thua lỗ; các DN có số nợ thuế lớn; DN nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra; các DN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế….
Lĩnh vực thanh tra cần tập trung như: chuyển nhượng vốn, ngân hàng, dược phẩm, bất động sản, điện, dầu khí, bưu chính viễn thông, khoáng sản,…
Các cơ quan thuế tập trung thanh tra, kiểm tra chuyên đề về công tác hoàn thuế; thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Quản lý thuế về kiểm tra sau hoàn thuế, kịp thời thu hồi vào ngân sách đối với số tiền phát hiện qua thanh, kiểm tra.
Các cơ quan thuế các cấp tổ chức rà soát, đôn đốc và thực hiện cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin nợ thuế. Ban hành thông báo tiền nợ và phạt chậm nộp để đôn đốc thu tiền thuế nợ. Đối với khoản nợ trên 90 ngày, khoản nợ đã hết thời gian gia hạn nộp thuế, NNT có hành vi bỏ trốn,, tẩu tán tài sản, cơ quan thuế thực hiện cưỡng chế nợ thuế để đảm bảo thu hồi nợ thuế kịp thời cho NSNN.
Năm 2017, toàn ngành Thuế phải đẩy mạnh triển khai nộp thuế điện tử đảm bảo thực chất (bao gồm nộp qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế và qua các kênh điện tử do các NHTM cung cấp, phấn đấu tiến tới đạt ít nhất 90% về cả 3 chỉ tiêu (số DN đang quản lý thuế trên địa bàn; số chứng từ nộp thuế; số tiền thuế thu được trên địa bàn quản lý).
Tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan để thực hiện thu lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, thu thuế TNCN đối với chuyển nhượng bất động sản bằng phương thức điện tử. Triển khai thực hiện đề án hóa đơn điện tử có mã xác thực./.
Thoibaotaichinh